Ngày 23 tháng 03 năm 2024, tại Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi Tọa đàm “Định hướng nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số và tài sản số”. Chương trình do Khoa Tài chính Ngân hàng (TCNH), Trường Đại học Kinh tế – Luật (UEL) phối hợp cùng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam (VIDE) tổ chức.
Buổi Tọa đàm có sự tham gia của hơn 100 sinh viên, giảng viên của Khoa TCNH, câu lạc bộ Công nghệ tài chính (FTC) và hai diễn giả. Mục tiêu của sự kiện nhằm trang bị cho các sinh viên của Khoa TCNH hiểu rõ thêm về bối cảnh Kinh tế số, nguồn nhân lực chuyển đổi số, xu hướng phát triển của Tài sản số và trải nghiệm ứng dụng công nghệ quản lý tài sản, đang diễn ra tại Việt Nam và trên thế giới.
Với phần chia sẻ của bà Mary Bùi – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam (VIDE); Tổng giám đốc Sàn gọi vốn Việt Nam – Việt Fundraising eXchange (VFX), Tổng giám đốc Vườn Ươm Khởi Nghiệp Việt (VSI) sinh viên nhìn rõ hơn bức tranh tổng quan về kinh tế số của Việt Nam, các chiến lược, mục tiêu quốc gia cũng như sự cần thiết của chuyển đổi số diễn ra tại các tổ chức, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là công nghệ Blockchain, Tài sản số trở thành 1 từ khóa được quan tâm lớn của xã hội. Qua chia sẻ của bà Mary Bùi, sinh viên cũng hiểu rõ hơn về các khái niệm về tài sản ảo (Virtual Asset), tài sản số (Digital Asset), tài sản mã hóa (Crypto-Asset), mã hóa tài sản (Asset Tokenization).
Kế tiếp là chia sẻ của ông Nguyễn Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư VIPA- Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam, Giám đốc Công ty Khoa học Công nghệ Chiyo. Nội dung chia sẻ tập trung phân tích nguồn nhân lực chuyển đổi số, năng lực chuyển đổi số cần có, định hướng hướng nghề nghiệp trong kỷ nguyên số, toàn cầu hóa, đánh giá thống kê mô tả chất lượng nguồn nhân lực chuyển đổi số của các công ty công nghệ trên sàn chứng khoán Việt Nam, thông tin dựa trên nghiên cứu khoa học đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế (ISBN) của diễn giả. Nội dung thảo luận về nhiệm vụ mà sinh viên Khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Kinh tế – Luật, đặc biệt là các bạn học về Fintech-công nghệ tài chính, cần phải tích cực rèn luyện những kỹ năng, kiến thức gì để thích nghi, đáp ứng với nhu cầu nghề nghiệp trong bối cảnh Kinh tế số, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, tốc độ cao như hiện nay.
Phần giao lưu sôi nổi giúp sinh viên hiểu sâu hơn về các nội dung được chia sẻ trong buổi học. Phần mang tính ứng dụng mong đợi của sinh viên Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế – Luật (UEL) là được trải nghiệm nền tảng quản lý tài sản số MetaDAP, 1 nền tảng công nghệ Blockchain được đầu tư và phát triển bởi Viện Phát Triển Kinh Tế Số Việt Nam.
MetaDAP là một nền tảng tài sản số, cung cấp các qui trình, công cụ để hỗ trợ doanh nghiệp mã hóa tài sản, phát hành security tokens và những loại tài sản số khác (ví dụ: loyalty point, evoucher, ecoupon hoặc eticket). MetaDAP chú trọng triển khai công cụ an toàn cho phép tài sản được quản lý, giao dịch thuận tiện trên không gian số, tối ưu lợi thế về khai thác, vận hành và tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp. MetaDAP đang xây dựng hướng tới mục tiêu đạt các giá trị như sau: (1) Tăng tính khả dụng của tài sản; (2) Tăng tính tuân thủ và minh bạch; (3) Tăng khả năng tiếp cận; (4) Tăng hiệu quả quản lý và tiết kiệm chi phí; (5) Thúc đẩy hợp tác.
Buổi Tọa đàm giữa Sinh viên của UEL, Khoa TCNH, Viện VIDE và Công ty Chiyo đã diễn ra thành công, đạt được mục tiêu đề ra, sinh viên tiếp cận thêm nhiều thông tin thực tiễn bổ ích, thêm động lực để theo đuổi đam mê học tập, mở ra nhiều cánh cửa và cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Fintech – Công nghệ tài chính đang khát nhân lực và các ngành Tài chính, Ngân hàng nói chung, tiếp tục khẳng định vị thế và chất lượng đào tạo cao tại Trường Đại học Kinh tế – Luật (UEL).
Khoa Tài chính Ngân hàng (TCNH), Trường Đại học Kinh tế – Luật (UEL), Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị có kinh nghiệm và đang đào tạo nhiều chuyên ngành như Tài chính, Ngân hàng và là một trong những cơ sở giáo dục đầu tiên tại Việt Nam đào tạo ngành Công nghệ tài chính. UEL thực hiện nhiều chiến lược đổi mới giáo dục, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, tăng trải nghiệm thực tế và phối hợp nhận sinh viên thực tập, kiến tập.
Hà Vi