Nổi tiếng là mạnh tay trong chương trình Shark Tank Việt Nam, tuy nhiên, đến nay, nhiều starup do shark Thuỷ đầu tư đã không gặt hái được thành công như mong đợi, điển hình là Soya Garden.
Shark Thủy tên đầy đủ là Nguyễn Ngọc Thủy – một doanh nhân, nhà đầu tư tại Việt Nam. Ông được biết đến là người sáng lập kiêm Chủ tịch tập đoàn EGroup, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (Apax English).
Vị doanh nhân này gây chú ý khi tham gia chương trình truyền hình Thương vụ bạc tỷ trong vai trò nhà đầu tư khách mời. Tên gọi “Shark” Thủy cũng ra đời và gắn liền với ông từ đây. Ông hiện nắm giữ kỷ lục đầu tư tỉ lệ vàng trong 9 công ty nhận được lời đề nghị đầu tư trên sóng truyền hình.
Một trong những thương vụ đầu tư mang tiếng vang với “Shark” Nguyễn Ngọc Thủy là việc rót vốn Soya Garden – dự án kinh doanh các sản phẩm từ đậu nành hữu cơ.
Dự án kinh doanh này được Shark Thuỷ cam kết đầu tư 15 tỷ trên sóng truyền hình. Sau vòng Due Diligence (thẩm định), Shark Thủy quyết định nâng số tiền đầu tư cho Soya Garden lên 20 tỷ đồng. Sau gói đầu tư 20 tỷ vào đầu năm 2018 và 45 tỷ đồng rót thêm vào đầu năm 2019, cuối tháng 4 vừa qua, Tập đoàn EGroup công bố đầu tư thêm 55 tỷ đồng vào Soya Garden, nâng tổng mức đầu tư lên 100 tỷ đồng. Con số này giúp người sáng lập Soya Garden trở thành startup gọi được nhiều vốn nhất Shark Tank Việt Nam tính đến hiện tại.
Với sự trợ giúp từ dòng vốn của “Shark” Thủy, Soya Garden được kỳ vọng sẽ trở thành một kỳ lân mới trong lĩnh vực chuỗi nhà hàng, sự phát triển nhanh chóng trong hai năm đầu rót vốn đã phần nào cho thấy một tương lai như vậy. Tuy nhiên, mọi thứ dường như đảo ngược chỉ trong hai năm gần nhất. Soya Garden thu hẹp hoạt động và gần như biến mất. Đi cùng với sự sa sút là những đường hướng kinh doanh đang cho thấy sự lúng túng.
Soya Garden được Hoàng Anh Tuấn và chị gái Hoàng Thu Thủy sáng lập vào năm 2016, giữa cơn sốt về trà sữa nhượng quyền. Thị trường Việt Nam khi đó cũng chưa có hệ thống chuỗi lớn chuyên về sữa đậu nành.
Startup này thực sự được chú ý khi huy động 20 tỷ đồng năm 2018 từ Shark Nguyễn Ngọc Thủy sau khi tham gia “Shark Tank – Thương vụ Bạc tỷ” mùa 2.
Nhận được vốn lớn, từ 2 cửa hàng, Soya Garden tăng trưởng vượt trên 1.500%, đạt mốc hơn 30 cửa hàng tính đến hết tháng 4/2019, số lượng khách hàng trung thành lên đến gần 500.000 lượt mỗi tháng.
Sau 3 năm thành lập, tháng 4/2019, Egroup nâng tổng mức đầu tư lên 100 tỷ đồng, tương đương gần 5 triệu USD, biến Soya Garden trở thành thương vụ đầu tư lớn nhất và thành công nhất của Shark Tank Việt Nam hai mùa đầu. Khi được rót vốn, CEO Hoàng Anh Tuấn nói mục tiêu ngắn hạn là đạt mốc 100 cửa hàng trong năm 2019 và 300 cửa hàng vào năm 2021, đồng thời đặt chân đến những thị trường khác trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản.
Được nguồn vốn lớn từ “Shark” Thủy, cùng tham vọng của nhà sáng lập, Soya Garden được kỳ vọng sẽ trở thành “kỳ lân” mới trong các chuỗi nhà hàng.
Tuy nhiên, kinh nghiệm của vị doanh nhân là chủ tịch một tập đoàn giáo dục, ngồi ghế nóng của Shark Tank dường như không thể giúp Soya Garden tìm được thành công.
Cuối 2019 khi chạm mốc 50 cửa hàng toàn quốc cũng là lúc chuỗi bắt đầu đóng bớt các cửa hàng không hiệu quả và tìm hiểu hướng đi mới, khác với tham vọng ban đầu.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019, Soya Garden ghi nhận doanh thu 96 tỷ đồng, tăng 486%, tương đương tăng gần 77 tỷ đồng so với năm 2018. Doanh thu gần 100 tỷ giúp lợi nhuận gộp của công ty trong năm 2019 cũng đạt mức tăng trưởng gấp 5 lần, đạt 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, Soya Garden lại ghi nhận mức lỗ ròng lên tới 62 tỷ đồng. Tính trung bình, trong năm 2019, chuỗi kinh doanh đậu nành hữu cơ này đã thua lỗ lên tới 170 triệu đồng/ngày.
Cuối tháng 1/2020, họ còn 45 cửa hàng toàn quốc. Đầu năm 2021, sau đợt giãn cách xã hội chống Covid-19, chuỗi này bắt đầu đóng hàng loạt cửa hàng, chủ yếu ở TP HCM. Ngày 12/5, Cửa hàng Soya Garden tại Ngã 6 Phù Đồng, quận 1, TP HCM – cửa hàng flagship với vị trí đắt đỏ giữa trung tâm thành phố và cũng là chi nhánh cuối cùng – đã đóng cửa.
Trả lời trên truyền thông, đại diện Egroup, chủ sở hữu của chuỗi chia sẻ việc đóng cửa là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc hoạt động nhằm tối ưu hóa chi phí mặt bằng và nhân công để tăng cường doanh thu cho chuỗi.
Với 8 cửa hàng còn hoạt động Hà Nội, Soya Garden cho hay đang có kế hoạch chuyển đổi mô hình nhỏ nhằm tiết giảm chi phí mặt bằng, vận hành và nhân công. Đồng thời, chuỗi đang tìm cách phát triển thêm các kênh bán hàng trực tuyến và tận dụng hệ sinh thái của Egroup. Dù vậy, với quy mô ngày càng thu hẹp, việc mở rộng trở lại là điều không dễ thực hiện. Sự trợ giúp của Egroup hay “Shark” Thủy dường như không giúp ích gì cho một chuỗi nhà hàng đầy tiềm năng, thậm chí có thể là nguyên nhân khiến chuỗi này rơi xuống đáy.
(Theo NN)