Mary Pham – Founder – CEO Vườn Ươm Khởi Nghiệp Việt
Cho đến nay, Vườn Ươm, Tăng tốc, Hệ sinh thái khởi nghiệp đã trở thành những thuật ngữ phổ biến trong giới doanh nghiệp. Vô số dự án với những ý tưởng độc đáo, những sáng chế hay giải pháp hữu ích nhằm giải quyết những vấn đề của thị trường, của xã hội có khả năng tạo ra những sự tăng trưởng mạnh mẽ, cơ hội tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô… Nhưng thực chất, những người chủ dự án lại loay hoay hoặc không đủ năng lực, nguồn lực để hiện thực hóa, thương mại hóa những giải pháp của họ. Và các Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp, Vườn ươm khởi nghiệp, Tăng tốc khởi nghiệp hay Hệ sinh thái khởi nghiệp trở thành cứu cánh dành cho họ.
Những Vườn ươm chính là môi trường tạo dựng cho các nhà khởi nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ, nền tảng để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh sao cho nhanh nhất và tốn ít chi phí nhất. Với những hỗ trợ cơ bản từ phía các Vườn ươm khởi nghiệp, các bạn trẻ đã có cơ hội tiến gần hơn tới ước mơ và xây dựng vững chắc doanh nghiệp của chính mình.
MÔ HÌNH VƯỜN ƯƠM – TRUNG TÂM TĂNG TỐC KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY
Có nhiều các Vườn Ươm khởi nghiệp, Vườn ươm doanh nghiệp, Trung tâm Tăng tốc khởi nghiệp… được hình thành với những mô hình khác nhau bao gồm cả khối nhà nước, tư nhân hoặc xã hội hóa. Hầu hết các Vườn ươm – Trung tâm tăng tốc khởi nghiệp hoạt động chưa thực sự hiệu quả, có thể kể đến một số nguyên nhân sau:
- Thiếu nguồn lực hỗ trợ Startup: Đối với một doanh nghiệp nói chung và khởi nghiệp nói riêng, việc hình thành từ một ý tưởng, giải pháp hữu ích, xây dựng và phát triển là cả một quá trình dài đầy chông gai và không trải thảm. Doanh nghiệp cần tồn tại, thích nghi được với môi trường trước khi ổn định và phát triển. Điều đó đòi hỏi rất nhiều các nguồn lực cần và đủ, bên trong và bên ngoài. Nguồn lực cần là phần cốt lõi bao gồm giá trị của sản phẩm, dịch vụ; đội ngũ sáng lập có tầm nhìn chiến lược, đam mê và tâm huyết, đội ngũ nhân sự vận hành tận tâm và có trách nhiệm, cùng nguồn vốn thiết yếu. Các nguồn lực đủ có thể đến từ bên trong hoặc bên ngoài, bao gồm: truyền thông – quảng bá, xây dựng thương hiệu – nhân hiệu, phát triển thị trường, chuối cung ứng, kênh phân phối, pháp lý & bảo hộ thương hiệu, công nghệ hỗ trợ, các dịch vụ phụ trợ, nguồn vốn bổ sung…. Đã có bao nhiêu Vườn Ươm hay Trung Tâm Tăng Tốc có thể đáp ứng được cho Doanh nghiệp những nguồn lực trên?
- Thiếu hệ thống Quy trình & các quy chế cụ thể cho quá trình Uơm tạo, Tăng tốc: Việc xác định rõ chỗ đúng và giá trị hiện tại của Startup đồng thời cụ thể hóa mục tiêu Ươm tạo – Tăng Tốc sẽ mới có thể xây dựng ra 1 bộ Quy trình cụ thể hóa các nghiệp vụ của Vườn Ươm.
- Thiếu mục tiêu – đích đến rõ ràng: Một số Vườn ươm tung ra các phương tiện hỗ trợ khởi nghiệp mà không có bất kỳ cơ sở lý luận chiến lược rõ ràng nào. Hầu như phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm của các cố vấn. Các công ty khởi nghiệp cũng vậy, có tham vọng lớn và động lực rất mạnh mẽ. Tuy nhiên cũng không có định lượng rõ ràng các mục tiêu hay khái niệm cụ thể. Dẫn đến việc hai bên khó có thể cụ thể hóa các đầu việc cần làm để đạt mục tiêu theo tiến độ. Hoặc Vườn ươm/Cơ sở Tăng tốc không thể cam kết Mục tiêu Ươm tạo.
- Sự đồng bộ giữa Mục tiêu – Phương pháp – Quy trình và Thời gian: Việc có 1 hệ thống tiêu chí rõ ràng, mục tiêu cụ thể và hệ thống công việc được định lượng theo mục tiêu tạo nên sự đồng bộ, giúp cho hai bên xác định chính xác lộ trình Ươm tạo/Tăng tốc đảm bảo hiệu quả tối ưu.
- Thiếu vốn: Hầu hết các Vườn Ươm – Trung tâm tăng tốc khởi nghiệp đều có kết nối với Quỹ đầu tư bao gồm cả Thiên Thần (Angel Capital) và mạo hiểm (Venture Capital). Tuy nhiên việc Quỹ giải ngân là cả một quá trình lâu dàu và rất khó khăn, Phải chăng là do hiệu quả ươm tạo của các Vườn ươm chưa thực sự sự thuyết phục được các Quỹ?
- Thiếu tính hệ thống: Tính hệ thống trong cả phạm vi rộng và hẹp, được đồng bộ giữa các khâu nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động cao nhất cho Vườn ươm.
- Thiếu Hệ sinh thái Khởi nghiệp – Kinh doanh đổi mới sáng tạo (ĐMST): Một Hệ sinh thái Khởi nghiệp ĐMST đúng nghĩa là một môi trường bao gồm nhiều thành phần kinh doanh, doanh nghiệp, tổ chức, sở ngành, Hội đoàn thể, Viện trường, cá nhân… tương hỗ, cộng sinh, phối hợp và tạo giá trị chéo cho nhau. Không phụ thuộc vào bất kỳ một chủ thể nào. Không có sự quản lý, giám sát của cá nhân hay tổ chức; không có phát sinh dòng tiền hay quản lý dòng tiền kiểu doanh nghiệp. Và đặc biệt, Hệ sinh thái phải là mở và bất kỳ thành phần nào cũng có thể tham gia, kết nối, hợp tác với nhau, cộng hưởng giá trị để cùng phát triển.
Một số mô hình tổ chức Vườn ươm khởi nghiệp/ Trung tâm ươm tạo tăng tốc tại Việt Nam hiện nay:
- Trung tâm ươm tạo Khởi nghiệp tại các Trường đại học/ Cao đẳng: Mô hình này được tổ chức nhằm nuôi dưỡng và thúc đẩy các ý tưởng/ dự án khởi nghiệp của khối học sinh – sinh viên của trường. Hầu hết các ý tưởng, dự án thuộc nhóm hạt giống (Pre – Seed) tức là các sản phẩm – dịch vụ chưa hoàn thiện; đội ngũ sáng lập (founder) còn đang ngồi trên ghế nhà trường, chưa có kinh nghiệm thực chiến về kinh doanh; đội ngũ cố vấn (Mentor) chủ yếu là các giảng viên/ chuyên gia giảng dạy trong nhà trường, tuy giàu kiến thức chuyên môn nhưng số lượng những người có kinh nghiệm/ trải nghiệm thực chiến thương trường không nhiều. Do vậy, Trung Tâm ươm tạo khối trường học đóng vai trò quan trọng trong việc phát động, nuôi dưỡng, hình thành những ý tưởng/ dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Từ đó tổ chức các cuộc thi nhằm lựa chọn những dự án khả thi, có khả năng thương mại hóa để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển.
- Trung tâm tăng tốc khởi nghiệp (Accelerator): Thường được tổ chức dưới dạng các đơn vị/ chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và được tổ chức dưới nhiều hình thức, cấp độ khác nhau. Các Accelerator thường kết hợp với những Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp (trong, ngoài nước; vốn ngân sách hoặc tư nhân) để rót vốn cho các dự án khởi nghiệp giai đoạn Seed hoặc Serials A, B, C tiềm năng, độc đáo, là giải pháp mang tính hữu ích và ĐMST, có khả năng thương mại hóa và phát triển đột phá trong thời gian ngắn. (Các dự án tăng tốc thành công và được rót vốn ở Việt Nam hiện nay đa số là dự án về công nghệ, môi trường, sản phẩm mới, vật liệu mới.)
- Vườn Ươm: được tổ chức dưới nhiều mô hình khác nhau.
- Theo hình thức Co -working space – đó là nơi chia sẻ văn phòng, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo, hội thảo, chuyên gia cố vấn…
- Theo dạng đầu tư vào một số dự án tiềm năng và kỳ vọng sự phát triển đột phá, bao gồm cả nguồn vốn và cơ sở vật chất. Những Vườn ươm này đầu tư vốn, chuyên gia và kết nối các nguồn lực để thúc đẩy dự án phát triển. Đổi lại, họ sở hữu những tỷ lệ cổ phần nhất định trong startup.
- Theo dạng thực hiện nhiệm vụ của nhà nước. Một số vườn ươm được mở ra nhằm thực hiện đề án 844, đề án 1665, và do vậy họ tập trung cho việc đào tạo, huấn luyện đội ngũ cố vấn, tổ chức ươm tạo các dự án được cấp vốn ngân sách.
- Mô hình ươm tạo nội bộ: nhiều doanh nghiệp đã hình thành mô hình Vườn ươm/cơ sở tăng tốc nội bộ để hỗ trợ cho các dự án của chính họ hoặc những dự án mà họ đầu tư, hợp tác… phù hợp với nhu cầu phát triển hệ sinh thái nội tại của doanh nghiệp.
- Theo mô hình hệ sinh thái mở rộng: Có 1 số ít vườn ươm tập trung cho việc phát triển Hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST nói riêng và hệ sinh thái kinh doanh nói chung. Họ quy tụ các nguồn lực cần thiết bao gồm nhiều khối, nhóm hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tạo mọi điều kiện cần thiết để thúc đẩy và phát triển toàn diện cho doanh nghiệp. Theo mô hình này, Vườn ươm Khởi nghiệp được hiểu đúng như nghĩa đen của 1 khu vườn ươm. Các ý tưởng, dự án được phân loại theo những tiêu chí cụ thể để xác định rõ loại hình, cấp độ, nhu cầu, mục đích… từ đó có chiến lược, kế hoạch và bố trí đội ngũ chuyên gia ươm tạo phù hợp nhằm đảm bảo tối đa hiệu quả. Dự án sau quá trình ươm tạo/ tăng tốc (thường từ 1 tháng – 3 tháng đối với chương trình tăng tốc, 12 tháng – 3 năm đối với chương trình ươm) vươn mình ra biển lớn, hòa nhập vào môi trường kinh doanh năng động, và khẳng định mình trước những sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Ngoài các tiêu chí được phân loại rõ ràng, quy trình chuẩn mực còn có sự hỗ trợ nhanh chóng kịp thời của mọi nguồn lực có sẵn từ Hệ sinh thái góp phần thúc đẩy nhanh hơn và đảm bảo được hiệu quả của quá trình ươm tạo.
Do vậy, mô hình này là sự gắn kết chặt chẽ của Vườn ươm và Hệ sinh thái khởi nghiệp – kinh doanh ĐMST mở rộng, Hệ sinh thái này không phải là 1 tổ chức, công ty, hiệp hội, đoàn thể… không có tổng giám đốc và các phòng ban, cũng không có kế toán và thủ quỹ… tức là không thuộc sở hữu của riêng ai mà hoàn toàn mang tính mở, và hoạt động vì sứ mệnh, mục đích, chung, là sân chơi hữu ích, thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn cần được tổ chức, vận hành một cách có quy củ theo những quy chế chung thống nhất.
Một trong những Vườn Ươm tại Việt Nam được tổ chức theo mô hình này, đó là Vườn Ươm Khởi Nghiệp Việt – là đơn vị phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia NSSC thuộc Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (NATEC) nhằm thực hiện đề án 844 của Chính phủ.
Mô hình Hệ sinh thái Khởi nghiệp ĐMST Việt
HOẠT ĐỘNG CỦA VƯỜN ƯƠM KHỞI NGHIỆP VIỆT TẠI KHÁNH HÒA
Vườn ươm Khởi nghiệp Việt (Viet Startup Incubator, Văn phòng đặt tại tòa nhà Bộ KHCN 1196 đường 3/2, P8, Q11, HCM) phối hợp với Trung Tâm hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia NSSC để thực hiện nhiệm vụ của đề án 844. Với đội ngũ sáng lập đầy kinh nghiệm và vô cùng tâm huyết với Khởi nghiệp cùng nhiều Cố vấn cấp cao của Bộ KH&CN, Vườn ươm Khởi nghiệp Việt không ngừng nỗ lực tạo dựng những nền móng đầu tiên chắc chắn, bài bản, chuyên nghiệp đáp ứng và khắc phục được 7 nguyên nhân nêu trên. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi, quy tụ những nguồn lực đầy đủ, thiết thực cùng đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm, có tầm nhìn xa, tài năng và tâm huyết với khởi nghiệp, thích ứng với tốc độ phát triển theo xu hướng số hóa nền kinh tế.
Nhận thức được tầm quan trọng của Hệ sinh thái mở, ngay từ khi ra mắt, Vườn ươm Khởi nghiệp Việt đã tập trung vào việc xây dựng và phát triển một Hệ sinh thái khởi nghiệp – kinh doanh ĐMST gắn liền với Vườn Ươm, mang tầm quốc gia và gắn liền với các Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của 63 tỉnh thành. Đồng thời đã trang bị đầy đủ các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, xây dựng xong phần lõi của hệ sinh thái; đồng thời đã và đang hoàn thiện hệ thống, quy trình ươm tạo, cùng các tiêu chí để phân loại, đánh giá dự án, công việc, con người… nhằm cam kết hiệu quả ươm tạo – tăng tốc – gọi vốn cho khởi nghiệp lên tới trên 80%.
Khánh Hòa là tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng và triển vọng về phát triển kinh tế, dễ dàng kết nối với các tỉnh thuộc khu vực Nam trung bộ, Tây nguyên và Đông Nam bộ. Do đó, việc khẩn trương triển khai và xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, tổ chức các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, Vườn Ươm, Quỹ hỗ trợ Khởi nghiệp ĐMST… tại Tỉnh dưới dạng các Tổ chức KHCN, Doanh nghiệp vốn nhà nước, xã hội hóa hoặc tư nhân là điều vô cùng cần thiết tại thời điểm này. Trong khi các tỉnh còn đang loay hoay đi tìm mô hình, phương pháp, thì Khánh Hòa – với sự Quyết tâm và đồng lòng của UBND Tỉnh cùng các Sở ban ngành, các Hội đoàn thể, các Trường đại học, khối doanh nghiệp…cùng với sự hỗ trợ của một số cố vấn cấp cao của Bộ khoa học công nghệ ( Mentor Quốc gia), những cố vấn đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức và vận hành Hệ sinh thái – đang rất tích cực trong việc tổ chức và thành lập Ban điều hành Hệ sinh thái Khởi nghiệp ĐMST và quy tụ các nguồn lực để phát triển vững vàng từ nền móng.
Sau cuộc họp với UBND Tỉnh Khánh Hòa ngày 27/02/2021 và cuộc họp ngày 05/04/2021, về việc triển khai Vườn ươm Khởi nghiệp Việt tại Khánh hòa, Vườn Ươm Khởi nghiệp Việt đã, đang và sẽ đồng hành cùng UBND Tỉnh, các Sở ngành, các Hội đoàn thể, các Trường Đại học và Doanh nghiệp, CLB tại Khánh Hòa để cùng xây dựng và phát triển 1 môi trường hỗ trợ và Hệ sinh thái Khởi nghiệp ĐMST. Đặc biệt là phối hợp cùng Sở KH&CN thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần của đề án 844 “Hỗ trợ Khởi nghiệp ĐMST đến 2025”; đề án 1665 “Hỗ trợ Học sinh – sinh viên khởi nghiệp đến 2025” và đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đến 2025”
Ngày 17/02/2021, Đoàn Công tác Vườn Ươm Khởi Nghiệp Việt làm việc với UBND Tỉnh Khánh Hòa
Thực hiện chỉ đạo của UBND Tỉnh về việc xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST và Vườn Ươm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, Vườn Ươm Khởi nghiệp Việt đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Đoàn Thanh Niên CS HCM Tỉnh về việc phối hợp các hoạt động để hỗ trợ Thanh Niên Khởi nghiệp.
Ký kết Hợp tác Chiến lược Tỉnh Đoàn Khánh Hòa và Vườn Ươm Khởi Nghiệp Việt
Với những kinh nghiệm đã và đang vận hành Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, triển khai mô hình Vườn Ươm khởi nghiệp Việt với hệ thống quy trình bài bản, chuyên nghiệp, những dịch vụ Ươm tạo/ Tăng tốc / Phụ trợ đi kèm… đều được đóng gói đầy đủ nên sẵn sàng chuyển giao để cùng phát triển. Cùng với sự quyết tâm UBND tỉnh, Sở KH&CN cùng các sở – ngành, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn, năm2021 khởi động xây dựng nền móng vững chắc để năm 2022 và những năm sau cất cánh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và đưa tỉnh Khánh Hòa trở thành 1 cái nôi về Khởi nghiệp ĐMST, thu hút nhiều dự án từ khu vực lân cận cùng Quỹ, tổ chức, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.