Kinh tế Số Việt Nam

kinh te số việt nam - tại sao cần đổi mới mô hình kinh doanh - oraido mentor - cố vấn khởi nghiệp

Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số là chủ đề trọng tâm, mục tiêu ưu tiên và động lực phát triển mạnh mẽ hàng đầu của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới.

Tiềm năng và triển vọng …

Kinh tế số là một phần của nền kinh tế; Phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới, tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho doanh nghiệp, với sự hội tụ loạt công nghệ mới (điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo…) trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0.

Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp số sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng…và góp phần tăng năng suất lao động.

Công nghệ di động đang thay đổi cách thức người dân sống và làm việc, cung cấp cho họ khả năng tiếp cận tốt hơn đến các thị trường và những cơ hội mới. Năm 2019, Việt Nam sở hữu 61 triệu người dùng internet, trung bình người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng Internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh (smartphone).

Theo tỷ lệ, nhóm các ứng dụng mạng xã hội và truyền thông liên lạc (52%), ứng dụng xem video (20%) và game (11%), cùng các ứng dụng cho công việc. Giá trị giao dịch thiết bị công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông tăng đều đặn hằng năm… đã tạo ra nền tảng lý tưởng để đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực phát triển kinh tế số.

Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là nền tảng, là hạt nhân của chuyển đổi số. Phát triển công nghệ và công nghiệp ICT sẽ góp phần đưa Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình.

Ngành thông tin và truyền thông Việt Nam sẽ đi đầu trong một số lĩnh vực. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông đạt 1.347.087 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2018, trong đó chủ yếu là đóng góp của ngành công nghiệp ICT. Nộp ngân sách nhà nước đạt gần 50.000 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ 2018.

Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai cấp phép thử nghiệm 5G cho Viettel, VNPT, MobiFone…Theo mục tiêu kế hoạch, ngành bưu chính trong nền kinh tế số sẽ phát triển theo hướng thương mại điện tử, áp dụng mạnh mẽ công nghệ số, hình thành một số công ty lớn làm nòng cốt; xây dựng hệ thống mã bưu chính tới từng địa chỉ, hoàn thiện đề án cung cấp dịch vụ công qua hệ thống bưu chính…

Hạ tầng viễn thông sẽ được chuyển thành hạ tầng ICT để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển dịch ngành viễn thông từ thoại sang data thông qua giảm cước kết nối thoại; phổ cập smartphone, quy hoạch tần số 5G, tuyên bố lộ trình tắt sóng 2G, 3G, thử nghiệm mobile money; xử lý các vấn nạn rác viễn thông…

Cùng với việc tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam sẽ ban hành các Khung về Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, Nghị định về đầu tư và thuê công nghệ thông tin; xây dựng các Nghị định quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số, định danh và xác thực điện tử, thúc đẩy Chính phủ điện tử mà trọng tâm là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 với mục tiêu đạt 30% đến hết năm 2019.

Ngành thông tin và truyền thông sẽ không chỉ sắp xếp, mà còn tạo cơ chế chính sách phát triển báo chí, nhằm nâng cao năng lực của 6 cơ quan báo chí, truyền thông chủ lực đa phương tiện; đào tạo nhân lực báo chí, giải quyết tốt các phát sinh khi dự kiến đến 2025, cả nước còn 688 cơ quan báo chí.

Đặc biệt trong công nghiệp ICT, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, về “Make in Vietnam”.

Theo đó, sẽ thúc đẩy phát triển các loại doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp thương mại, dịch vụ chuyển sang làm công nghệ, công nghiệp; các doanh nghiệp ICT cần hoạt động theo sứ mạng mới phát triển công nghệ Việt Nam chuyển đổi số cho đất nước theo hướng doanh nghiệp tư vấn, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp khác; doanh nghiệp start-up và các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và mô hình kinh doanh mới.

Bộ sẽ có quy định về thử nghiệm chính sách Sandbox, đặc khu về thử nghiệm công nghệ, mô hình kinh doanh mới; triển khai Trung tâm chính sách cho cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G để năm 2020 Việt Nam có thiết bị 5G.

Ở Việt Nam, các công ty hàng đầu nền kinh tế số đang và sẽ đi theo hướng mang đến thật nhiều dịch vụ trên cùng một ứng dụng, dù vẫn có dịch vụ kinh doanh cốt lõi để giữ chân người dùng. Một số doanh nghiệp cũng lựa chọn hình thức cộng sinh, bắt tay hợp tác để mở rộng kho sản phẩm dịch vụ.

Mục tiêu và cách thức quản lý

Để đẩy mạnh ngành CNTT và viễn thông, cần thực hiện đổi mới, nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm về việc phát triển ngành CNTT và viễn thông.

Xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển ngành CNTT và viễn thông. Xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển ngành CNTT và viễn thông quốc gia đồng bộ, hiện đại.

Có kiến trúc tổng thể hạ tầng thông tin quốc gia, bảo đảm kết nối liên thông nhằm tránh phát triển thiếu định hướng, đầu tư dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao, sự kết nối thiếu tính liên thông, không có tính kế thừa. Ngoài ra, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất.

Theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), Việt Nam đã đặt ra nhiều mục tiêu cho giai đoạn 2025-2045.

Cụ thể đến năm 2025, (i) duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN; (ii) xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN, Internet băng thông rộng phủ 100% các xã; (iii) kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP, năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm; (iv) cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội; (v) thuộc nhóm bốn nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc; (vi) có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.

Đến năm 2030: (i) duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; (ii) mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp; (iii) kinh tế số chiếm trên 30% GDP, năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm; (iv) hoàn thành xây dựng Chính phủ số; (v) Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Để Việt Nam chủ động phát triển kinh tế số và tham gia cuộc CMCN 4.0 cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội.

Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển nguồn nhân lực các ngành và công nghệ ưu tiên, tăng cường hội nhập quốc tế; thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội…

Đồng thời, bảo đảm việc làm, ổn định thu nhập, hỗ trợ an sinh và tái hòa nhập xã hội cho những tầng lớp yếu thế, dễ bị tổn thương, cũng như tăng cường bảo vệ môi trường sống trong quá trình phát triển kinh tế đất nước theo yêu cầu CMCN 4.0.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà nòng cốt là chuyển đổi số sẽ làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế, xã hội, quản trị quốc gia. Cùng với việc thay đổi tư duy cần thay đổi cả về thể chế để thể hiện rõ về việc coi kinh tế số là một trụ cột và chỉ có dựa vào kinh tế số và chuyển đổi số chúng ta mới đảm bảo được quá trình phát triển nhanh, bền vững và đuổi kịp các nước trong khu vực.

Đặc biệt, tầm vóc và vị trí quan trọng của kinh tế số đang gợi mở về Việt Nam cần thiết phải có một Bộ chuyên ngành để quản lý và làm bệ phóng cho kinh tế số cất cánh (Thái Lan đã thành lập Bộ Xã hội và Kinh tế số; Các quốc gia G20 thì giao cho các bộ ban ngành quản lý kinh tế số, trong đó 60% giao cho Bộ Thông tin truyền thông, 20% giao cho Bộ Thương mại, 20% còn lại giao cho Bộ Khoa học công nghệ).

Nguồn: nhandan.com.vn

Cố vấn khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo

.
.
.
.