Hiểu về Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của công ty cổ phần

Hội đồng quản trị & Ban kiểm soát trong Công ty Cổ phần - Covankhoinghiep.vn

Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của công ty cổ phần

Luật sư tư vấn khách hàng về vấn đề đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của công ty cổ phần.

Công ty cổ phần chính là mô hình kinh tế tiến bộ của xã hội văn minh loài người hiện nay, để hiểu một cách đơn giản nhất thì chúng ta hiểu Công ty cổ phần chính là một “nhà nước” thu nhỏ. Khi các công ty cổ phần thực hiện bầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới thì cổ đông muốn được đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát thì cần đáp ứng các quy định như thế nào? Bài viết dưới đây Luật Dương Gia cung cấp thông tin cụ thể:

Cơ sở pháp lý:

– Luật Doanh nghiệp năm 2020.

1. Hội đồng quản trị của công ty cổ phần

Hội đồng quản trị  là cơ quan quản lý công ty cổ phần, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.

Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần có từ 03 đến 11 thành viên. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng thành viên hội đồng quản trị. Nhiệm kỳ của thành viên hội đồng quản trị, thành viên độc lập Hội đồng quản trị không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Số lượng, thời hạn cụ thể của nhiệm kỳ, số thành viên hội đồng quản trị phải thường trú ở Việt Nam do Điều lệ công ty quy định.

Với vai trò và vị trí quan trọng trong cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần. Hội đồng quản trị có các quyền và nghĩa vụ cụ thể như sau:

– Quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty.

– Kiến nghị loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại.

– Quyết định bán cổ phần mới trong phạm vi số cổ phần được quyền chào bán của từng loại; quyết định huy động thêm vốn theo hình thức khác.

– Quyết định giá bán cổ phần và trái phiếu của công ty.

– Quyết định mua lại cổ phần theo quy định tại Điều 133 của Luật doanh nghiệp 2020.

– Quyết định phương án đầu tư và dự án đầu tư trong thẩm quyền và giới hạn theo quy định của pháp luật;

– Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ;

– Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định; quyết định, tiền lương và quyền lợi khác của những người quản lý đó; cử người đại diện theo ủy quyền tham gia Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông ở công ty khác, quyết định mức thù lao và quyền lợi khác của những người đó;

– Giám sát, chỉ đạo Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác trong điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty;

– Quyết định cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty, quyết định thành lập công ty con, lập chi nhánh, văn phòng đại diện và việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác;

– Duyệt chương trình, nội dung tài liệu phục vụ họp Đại hội đồng cổ đông, triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến để Đại hội đồng cổ đông thông qua quyết định;

– Trình báo cáo quyết toán tài chính hằng năm lên Đại hội đồng cổ đông;

– Kiến nghị mức cổ tức được trả; quyết định thời hạn và thủ tục trả cổ tức hoặc xử lý lỗ phát sinh trong quá trình kinh doanh;

– Kiến nghị việc tổ chức lại, giải thể, yêu cầu phá sản công ty;

– Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

2. Ban kiểm soát của công ty cổ phần

2.1. Vị trí của Ban kiểm soát trong cơ cấu tổ chức

-Trường hợp công ty cổ phần theo mô hình: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Ban kiểm soát trong trường hợp này là bắt buộc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát.

– Trường hợp công ty cổ phần theo mô hình: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị.

2.2. Cơ cấu tổ chức của ban kiểm soát

– Ban kiểm soát có từ 03 đến 05 thành viên, nhiệm kỳ của Kiểm soát viên không quá 05 năm và Kiểm soát viên có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

– Các Kiểm soát viên bầu một người trong số họ làm Trưởng Ban kiểm soát theo nguyên tắc đa số. Quyền và nghĩa vụ của Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định.

– Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số thành viên thường trú ở Việt Nam. Trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.

2.3. Quyền hạn của ban kiểm soát

– Ban kiểm soát thực hiện giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty.

– Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; tính hệ thống, nhất quán và phù hợp của công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính.

– Thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp và trung thực của các báo cáo  kinh doanh và trình báo cáo thẩm định tại cuộc họp thường niên Đại hội đồng cổ đông.

– Rà soát, kiểm tra và đánh giá hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro và cảnh báo sớm của công ty.

– Xem xét sổ kế toán, ghi chép kế toán và các tài liệu khác của công ty, các công việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết hoặc các trường hợp khác.

– Khi phát hiện có thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc vi phạm  phải thông báo ngay bằng văn bản với Hội đồng quản trị. Có yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả.

– Có quyền tham dự và tham gia thảo luận tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và các cuộc họp khác của công ty.

– Có quyền sử dụng tư vấn độc lập, bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

2.4. Quyền được cung cấp thông tin:

– Ban kiểm soát thực hiện việc thông báo mời họp, phiếu lấy ý kiến thành viên Hội đồng quản trị và các tài liệu kèm theo phải được gửi đến các Kiểm soát viên cùng thời điểm và theo phương thức như đối với thành viên Hội đồng quản trị.

– Ban kiểm soát thực hiện cung cấp các nghị quyết và biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị phải được gửi đến cho các Kiểm soát viên cùng thời điểm và theo phương thức như đối với cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị.

– Ban kiểm soát thực hiện việc báo cáo của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trình Hội đồng quản trị hoặc tài liệu khác do công ty phát hành được gửi đến các Kiểm soát viên cùng thời điểm và theo phương thức như đối với thành viên Hội đồng quản trị.

– Kiểm soát viên có quyền tiếp cận các hồ sơ, tài liệu của công ty lưu giữ tại trụ sở chính, chi nhánh và địa điểm khác; có quyền đến các địa điểm làm việc của người quản lý và nhân viên của công ty trong giờ làm việc.

–  Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người quản lý khác phải cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin, tài liệu về công tác quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh của công ty theo yêu cầu của thành viên Ban kiểm soát hoặc Ban kiểm soát.

3. Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của công ty cổ phần

Khoản 5 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát thực hiện như sau:

a) Các cổ đông phổ thông hợp thành nhóm để đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thông báo về việc họp nhóm cho các cổ đông dự họp biết trước khi khai mạc Đại hội đồng cổ đông;

b) Căn cứ số lượng thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản này được quyền đề cử một hoặc một số người theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông làm ứng cử viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Trường hợp số ứng cử viên được cổ đông hoặc nhóm cổ đông đề cử thấp hơn số ứng cử viên mà họ được quyền đề cử theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông thì số ứng cử viên còn lại do Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và các cổ đông khác đề cử.

Đối với trường hợp của bạn, bạn chưa cung cấp rõ thông tin bạn sở hữu cổ phần, cụ thể là 10% đó trong bao lâu. Như vậy có 2 trường hợp xảy ra.

Trường hợp thứ nhất: bạn sở hữu 10% cổ phần trong 6 tháng liên tiếp trở lên, khi đó theo pháp luật quy định, bạn có thể đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của công ty. Bạn cũng nên lưu ý rằng, nếu bạn giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hay Tổng giám đốc thì bạn sẽ không được để cử con trai mình vào Hội đồng quản trị hay Ban kiểm soát.

Trường hợp thứ hai: bạn sở hữu 10% cổ phần chưa được 6 tháng liên tiếp, như vậy bạn không có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị hay Ban kiểm soát. Bạn nên tra cứu rõ Điều lệ công ty để biết thêm về quyền và lợi ích của mình.

Như vậy để có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty cổ phần thì các cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty cổ phần. Ngoài ra nếu điều lệ của công ty cổ phần có quy định khác thì việc đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty cổ phần thì được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 như đã được nêu ở trên.

Bài viết được thực hiện bởi Thạc sỹ Đinh Thùy Dung

Nguồn: luatduonggia.vn/de-cu-nguoi-vao-hoi-dong-quan-tri-va-ban-kiem-soat-cua-cong-ty-co-phan/

.
.
.
.