Những câu chuyện Ngụ ngôn Kinh điển của Giới Kinh Doanh.

Những Câu chuyện Ngụ ngôn của Giới Kinh Doanh - Cố vấn khởi nghiệp
NHỮNG CÂU CHUYỆN NGỤ NGÔN KINH ĐIỂN CỦA GIỚI KINH DOANH, ĐỌC ĐỂ RÚT RA BÀI HỌC CHO CHÍNH MÌNH
1. Bán giày ở châu Phi
Đây là một câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng trong thế giới tiếp thị:
Hai công ty sản xuất giày cùng cử một nhân viên bán hàng đi mở rộng thị trường, một người tên là Jackson và một người tên là Banjing. Cùng ngày, hai người họ đến một quốc gia ở châu Phi, ngay khi đến nơi, họ phát hiện rằng người dân địa phương đều đi chân đất! Từ vua đến dân nghèo, từ tu sĩ đến quý bà, không một ai đi giày.
Tối hôm đó, Jackson gửi mail cho ông chủ nói: “Chúa ơi, người dân ở đây không đi giày, ai sẽ mua giày cơ chứ? Ngày mai tôi sẽ quay về”.
Banjing cũng gửi email về trụ sở công ty trong nước: “Thật tuyệt vời! Người dân ở đây không đi giày. Tôi quyết định chuyển nhà tới đây và ở lại một thời gian dài!”.
Hai năm sau, mọi người ở đây đều đi giày.
– Bài học: Nhiều người thường phàn nàn rằng rất khó để mở thị trường mới. Thực tế là thị trường mới đang ở trước mắt bạn, chỉ là bạn làm sao phát hiện ra thị trường này thôi.
2. Hai chiếc xe buýt
Trước cửa nhà có một tuyến xe buýt đi ra trạm xe lửa. Không biết vì quãng đường ngắn hay vì ít người qua lại mà công ty chỉ sắp xếp hai chiếc xe buýt đưa đón ở đây.
Lái chiếc 101 là một cặp vợ chồng, lái chiếc 102 cũng là một cặp vợ chồng.
Hầu hết những người ngồi xe đều là dân chài. Vì họ thường sống trên thuyền nên mỗi khi vào thành phố là cả một gia đình lớn nhỏ cùng đi. Bà chủ của xe 101 rất hiếm khi yêu cầu trẻ em mua vé. Ngay cả khi một cặp vợ chồng có nhiều con, thì họ cũng rất hào phóng chỉ yêu cầu mua hai vé người lớn.
Một số người dân cảm thấy ngại, khăng khăng đòi mua vé cho những đứa trẻ lớn hơn, nhưng bà chủ đó mỉm cười và nói với họ: “Lần sau mang cho tôi một ít trai sông, được không? Lần này miễn phí cho anh chị.”
Bà chủ của chiếc xe buýt 102 thì ngược lại. Bất kể già trẻ lớn bé đều phải mua vé, đứa nhỏ hơn trả nửa tiền vé. Bà chủ đó luôn nói rằng chiếc xe này được ký hợp đồng, phải trả về cho công ty bao nhiêu tiền, tháng nào thiếu là sẽ không được lái nữa.
Dân chài cũng hiểu cho họ, bao nhiêu người mua bấy nhiêu vé. Tuy nhiên, ba tháng sau, không thấy xe 102 đâu nữa. Nghe nói rằng xe đó đã dừng hoạt động, lý do là bởi có quá ít người đi xe của họ.
– Bài học: Khách hàng trung thành có được là nhờ tình cảm, người bán hàng cũng nhờ một chút ưu đãi mà có được sự trung thành của khách hàng. Khi ngoan cố thực hiện chính sách bán hàng của mình, chúng ta đã buông bỏ bao nhiêu khách hàng trung thành?
3. Linh dương và sư tử
Mỗi buổi sáng, khi một con linh dương Châu Phi thức dậy, nó biết rằng mình luôn phải nhanh hơn con sư tử chạy nhanh nhất, nếu không nó sẽ bị ăn thịt.
Mỗi buổi sáng, khi một con sư tử Châu Phi thức dậy, nó biết rằng mình phải nhanh hơn con linh dương chạy chậm nhất, nếu không nó sẽ chết đói.
Cho dù bạn là sư tử hay linh dương, khi mặt trời mọc bạn đã bắt đầu phải chạy rồi.
– Bài học: Chạy ngay đi, trong xã hội đầy tính cạnh tranh này, nếu doanh nghiệp trì trệ, luôn đắm chìm trong vinh quang của ngày xưa, thì số phận cuối cùng sẽ là bị ăn hoặc chết đói.
4. Ngỗng trời sa lưới
Ngỗng trời thường tụ tập ở ven hồ. Mỗi khi nghỉ lại tại đầu, con ngỗng đầu đàn đều sắp xếp một con ngỗng canh đêm, khi có người đến, ngay lập tức phải kêu lên báo hiệu.
Những người thợ săn ở khu vực quanh hồ đã quen thuộc với thói quen của chúng. Cứ đến tối, họ lại cố tình thắp đuốc. Con ngỗng canh đêm trông thấy ngọn lửa liền kêu lên, nhóm thợ săn lại dập tắt ngọn lửa.
Những con ngỗng sợ hãi bay lên, khi không thấy động tĩnh gì nữa, chúng lại quay trở lại chỗ cũ nghỉ ngơi. Nhiều lần như vậy, đàn ngỗng nghĩ rằng con ngỗng canh đêm lừa dối chúng, liền lao vào mổ con ngỗng đó.
Lúc này, người thợ săn cầm ngọn đuốc tiến gần đến chỗ đàn ngỗng. Con ngỗng canh đêm sợ bị cả đàn mổ nên không dám kêu lên. Cứ như vậy, cả đàn ngỗng đang ngủ ngon lành bị nhóm thợ săn tóm gọn.
– Bài học: Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sẽ phải đối mặt với thử thách của thị trường. Khi các đối thủ thăm dò lần đầu, hệ thống cảnh báo do doanh nghiệp thiết lập – “tiếng kêu của ngỗng trời” phát huy tác dụng, doanh nghiệp bày trận sẵn sàng đón địch, nhưng lại không thấy phản ứng nào từ đối thủ. Tuy nhiên, sau nhiều lần thăm dò lặp đi lặp lại, ngay cả chính công ty cũng dần dần buông lỏng cảnh giác, khiến các đối thủ của mình giành chiến thắng.
5. Động vật kéo xe
Cá nhồng, tôm và thiên nga không biết từ bao giờ đã trở thành những người bạn tốt của nhau. Một ngày nọ, chúng cùng tìm thấy một chiếc xe hơi, có rất nhiều đồ ăn ngon trên đó.
Vì vậy, chúng có ý định chiếm chiếc xe đó. Vậy là, cả ba cùng nhau hợp sức, lấy hết sức của mình ra để kéo xe về chỗ của chúng. Tuy nhiên, dù có kéo ra sao, dùng nhiều sức thế nào thì chiếc xe vẫn không hề dịch chuyển.
Thì ra là thiên nga dùng sức đẩy mạnh lên trời, con tôm lại từng bước đẩy về phía sau và con cá nhồng lại kéo xe về phía cái ao. Rốt cuộc thì ai đúng và ai sai? Dù sao, cả ba đều đã rất nỗ lực.
– Bài học: Đội ngũ tiếp thị của một công ty có những tài năng khác nhau, tất cả họ đều có tinh thần cống hiến cho công ty, nhưng nếu công ty không thể tận dụng hết được khả năng của họ, không thể biến chúng thành sức mạnh đoàn kết thì đến cuối cùng dù có trách ai thì cũng đều không có nghĩa lý gì.
Theo: Trí thức trẻ

.
.
.
.